Doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào triển vọng dài hạn ở thị trường Việt Nam, những cơ hội đầu tư, kinh doanh tốt vẫn “ló rạng” khi Việt Nam sớm hoàn tất tiêm chủng đại trà.
Niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài vào môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn được duy trì.
Tiêm phòng là yêu cầu số một
Một loạt cơ hội đầu tư, kinh doanh mở ra tại thị trường Việt Nam, bất luận tác động của Covid-19 đã được Công ty nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research chỉ ra trong Báo cáo Khảo sát niềm tin tiêu dùng dưới tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Báo cáo được công bố cách đây ít ngày đã đặc biệt nhấn mạnh đến những cơ hội liên quan đến hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), phát triển những sản phẩm và dịch vụ mới sau dịch.
Thế nhưng, việc cần ưu tiên triển khai ngay là nhanh chóng thực hiện tiêm phòng sớm vắc-xin Covid-19 trên diện rộng, bởi điều này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn suy thoái kinh tế và duy trì phục hồi kinh tế bền vững.
"Hơn một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát của EuroCham (56%) dự đoán hiệu suất lao động sẽ được giữ nguyên hoặc cải thiện trong quý III/2021."
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Infocus Mekong Research cho biết, trong tuần này, nhiều doanh nghiệp/nhà tuyển dụng lớn đã buộc phải đóng cửa hoạt động theo yêu cầu của chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng, do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc làm, sản xuất, mà còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm.
“Nếu thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân, người lao động có thể quay trở lại làm việc, đồng thời giúp thiết lập lại chuỗi cung ứng. Điều này mang lại tác động kinh tế rất lớn”, ông Ralf Matthaes nói.
Mặt khác, chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần thông tin chính xác về nguồn gốc quốc gia sản xuất vắc-xin và các nhà sản xuất vắc-xin đáng tin cậy để kế hoạch triển khai tiêm phòng diễn ra nhanh chóng. Đây là yêu cầu số một để duy trì phục hồi kinh tế và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã làm suy giảm niềm tin của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu. Dữ liệu khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) quý II/2021 của EuroCham cho thấy, đợt bùng phát lần này và sự lan rộng của các biến thể mới đã khiến BCI giảm gần 30 điểm phần trăm so với quý I/2021, xuống còn 45,8% trong quý II. Đây là mức giảm đáng kể, mặc dù không quá sâu như trong đợt bùng phát dịch lần đầu năm 2020.
Tuy vậy, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu vẫn tự tin về triển vọng tương lai của công ty mình. Có đến 80% người tham gia khảo sát có kế hoạch duy trì hoặc gia tăng số lượng nhân viên và kế hoạch đầu tư của họ, bất chấp những thách thức ngắn hạn do Covid-19.
Cùng với niềm tin vào triển vọng dài hạn, các doanh nghiệp châu Âu kêu gọi đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà. Hơn một nửa lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát (58%) nhận định rằng, công ty của họ sẽ chịu tác động tiêu cực đáng kể nếu nhân viên không được tiêm chủng trong năm 2021. Trong khi đó, gần một nửa công ty tham gia khảo sát (44%) cho biết, họ chưa được tiếp cận với chương trình tiêm chủng. Đặc biệt, 399 trong số 430 thành viên của EuroCham cùng 9 hiệp hội doanh nghiệp trực thuộc tham gia khảo sát đã khẳng định sẵn sàng tự chi trả chi phí tiêm chủng cho nhân viên.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho rằng: “Không có con đường nào thoát khỏi đợt dịch lần thứ tư này nếu không có một chương trình tiêm chủng mở rộng tích cực và nhanh chóng để giúp cuộc sống bình thường quay trở lại. Các công ty châu Âu sẵn sàng chi trả các chi phí nhằm bảo vệ nhân viên của họ, điều này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đồng thời giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước”.
Tiếp tục lên kế hoạch đầu tư
Theo các đơn vị nghiên cứu quốc tế, niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài vào môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn được duy trì, thậm chí nhiều doanh nghiệp ngoại tỏ ra sốt sắng trước các cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam.
“Bất chấp cú sốc ngắn hạn của làn sóng dịch thứ tư này, triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn ở mức tích cực. Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu vẫn tính tới việc duy trì hoặc tăng số lượng nhân viên, cũng như kế hoạch đầu tư của họ, ngay cả trong bối cảnh dịch bùng phát hiện nay. Điều này thể hiện niềm tin vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam vẫn được duy trì”, ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam đánh giá.
Ở một góc nhìn khác, ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Infocus Mekong Research cho biết, nhiều doanh nghiệp sẽ đứng trước bờ vực phải tạm ngừng hoạt động và thậm chí phá sản, do không bán được hàng. Tuy nhiên, lại xuất hiện những cơ hội tuyệt vời cho các công ty Việt Nam và nước ngoài để bắt tay hợp tác, đầu tư hoặc mua lại những doanh nghiệp này.
“Hơn nữa, cũng có cơ hội để mua những doanh nghiệp này thấp hơn giá trị thị trường, thiết lập lại các mối quan hệ kinh doanh hiện có và phát triển thị trường nước ngoài với chi phí hoạt động hợp lý”, ông Ralf Matthaes nhấn mạnh.
Giám đốc điều hành Infocus Mekong Research cho rằng, các sáng kiến đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới, cùng với sự đa dạng các loại “đơn vị lưu kho” (SKU) hàng hóa đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam.
Ngay cả trước khi Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã có lợi thế về lượng lớn dân số hiểu biết về công nghệ, điều này mở ra cơ hội rất lớn cho hoạt động kinh doanh trực tuyến.
“Thời gian qua, xu hướng này càng được khuếch đại bởi Covid-19. Các sản phẩm và dịch vụ thương mại điện tử mang lại sự tiện lợi, an toàn, có giá trị, có thể nhanh chóng thâm nhập thị trường”, ông Ralf Matthaes nói.
(Theo https://baodautu.vn/doanh-nghiep-ngoai-tin-vao-trien-vong-dai-han-o-viet-nam-d147313.html)